40 doanh nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống “đói” đường nhưng diện tích trồng mía liên tục giảm

Đăng bởi Công Ty TNHH Nguyên Liệu Nông Nghiệp Mekong MEKONG vào lúc 05/09/2023

Dự báo, tổng nhu cầu tiêu dùng đường của Việt Nam năm 2023 là gần 2,24 triệu tấn. Tính toán nguồn cung (gồm cả sản xuất trong nước và nhập khẩu), cho thấy từ nay đến hết năm thiếu hụt 625 nghìn tấn đường, cần phải nhập khẩu…

Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) vừa công bố Báo cáo "Đánh giá nhu cầu đường công nghiệp tại Việt Nam từ khảo sát các nhà máy chế biến thực phẩm". Trong đó, Ipsard đưa ra bức tranh về thực trạng nguồn cung và nhu cầu tiêu dùng đường công nghiệp của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống.

DOANH NGHIỆP BÁNH KẸO, NƯỚC GIẢI KHÁT CẦN 1,8 TRIỆU TẤN ĐƯỜNG

Theo ông Vũ Huy Phúc, Chuyên gia nghiên cứu thuộc Bộ môn Nghiên cứu Thị trường và Ngành hàng của Viện Ipsard, thời gian qua, Ipsard đã tiến hành khảo sát 40 doanh nghiệp lớn tại Việt Nam về nhu cầu tiêu thụ đường. Bao gồm: 13 doanh nghiệp sản xuất nước giải khát, 6 doanh nghiệp chế biến sữa – kem; 21 doanh nghiệp chế biến thực phẩm, 3 doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, 2 doanh nghiệp sản xuất mặt hàng khác. Trong đó, có những doanh nghiệp tên tuổi hàng đầu như: Vinamilk, Cholimex, Acecook, CJ Foods, Coca-Cola, Masan, Kewpie, Red Bull, Uniliver, Yakult…

Kết quả khảo sát cho thấy 40 doanh nghiệp này đã tiêu thụ 323,54 nghìn tấn đường trong năm 2022, trong đó 75,6% (tương đương 244,71 nghìn tấn) là đường RE, 23,9% là đường RS và các loại đường khác chỉ chiếm 0,5%. Năm 2023, ước tính nhu cầu đường của 40 doanh nghiệp này sẽ tăng thêm 60 nghìn tấn so với năm 2022 và đạt khoảng 382,66 nghìn tấn, trong đó đường RE chiếm 77,5% (tương đương 296,68 nghìn tấn). 

Nếu phân theo nhóm ngành, đối với đường RE thì các doanh nghiệp nhóm ngành nước giải khát tiêu thụ đường lớn nhất chiếm 70% (171,2 nghìn tấn), đối với đường RS nhóm ngành thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất chiếm 65% (59,2 nghìn tấn). 

Tổng lượng đường sử dụng của 40 doanh nghiệp này chiếm khoảng 21% trong tổng tiêu thụ đường của khối các nhà máy bánh kẹo, nước ngọt, chế biến thực phẩm. Từ đó, Ipsard tính toán, tổng nhu cầu đường của các ngành sản xuất nước giải khát, bánh kẹo, chế biến thực phẩm trong năm 2023 vào khoảng 1,8 triệu tấn.

Số liệu khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy trong 5 năm tới, 98% các doanh nghiệp đều dự kiến sẽ tăng nhu cầu tiêu dùng, khối lượng các doanh nghiệp cần thêm khoảng 128,14 nghìn tấn trong 5 năm tới, tức tăng thêm 40% so với nhu cầu tiêu dùng của năm 2022 và tăng thêm 33,4% so với năm 2023.

Nguyên nhân tăng nhu cầu do 60% doanh nghiệp được hỏi dự kiến mở rộng quy mô, 20% phát triển thêm sản phẩm mới, 10% sẽ xây dựng thêm nhà máy 10%. Đến năm 2028 dự kiến 40 doanh nghiệp này sẽ có nhu cầu tiêu thụ 510,8 nghìn tấn đường (tăng trên 50 % so với năm 2022), trong đó đường RE chiếm 81,1% (414,26 nghìn tấn), đường RS chiếm 18,6% (96,54 nghìn tấn). 

Nguồn cung cấp đường của các doanh nghiệp được khảo sát đến từ 3 nguồn chính, gồm: các nhà máy đường trong nước; đường nhập khẩu và các công ty kinh doanh đường. Có 65% doanh nghiệp khảo sát cho biết đường sản xuất trong nước không đủ cho nhu cầu sử dụng; 40% đánh giá lượng đường nhập khẩu không đủ đáp ứng nhu cầu của họ. Các doanh nghiệp cũng cho biết nhiều khó khăn khi mua đường để chế biến thực phẩm, bởi giá đường biến động, phải dựa vào nguồn cung nhập khẩu, chất lượng đường chưa ổn định. 

SẢN XUẤT TRONG NƯỚC MỚI ĐÁP ỨNG 37% NHU CẦU

Trái ngược với sự tăng chóng mặt về nhu cầu tiêu dùng đường trong nước, diện tích trồng mía đã liên tục giảm mạnh trong những năm qua. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, diện tích trồng mía cả nước năm 2022 chỉ còn 165,9 nghìn ha, giảm 48,2% so với năm 2002. Số hộ trồng mía cũng giảm một nửa, xuống chỉ còn 126 nghìn hộ. Trong khi đó, nhiều nhà máy đường đã sát nhập, giải thể; từ 39 nhà máy dường năm 2011 đã giảm chỉ còn 24 nhà máy vào năm 2022.

Biến động diện tích và sản lượng mía đường năm 2000 – 2022: Nguồn: Ipsard.

Do sản xuất trong nước mới đạt 37,5% so với tổng nhu cầu, nên hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu lượng đường rất lớn mới đáp ứng đủ. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2022 lượng đường nhập khẩu chính ngạch 1,23 triệu tấn, giá trị đạt 1,08 tỷ USD, giảm 5,4% về sản lượng và tăng 2,5% về giá trị so với năm 2021.

Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VASS), ngoài lượng đường nhập chính ngạch trong và ngoài hạn ngạch, còn một lớn đường lớn nhập lậu từ Campuchia và Lào trong năm 2022 là 816,53 nghìn tấn, tăng 37,64% so với năm 2021.

VASS cho biết vào tháng 8/2023, vụ mía 2022/2023 (tính từ tháng 10/2022 đến hết tháng 7/2023), sản lượng lũy kế từ đầu vụ đã ép được 9,6 triệu tấn mía và sản xuất được 935 tấn đường các loại. So sánh với vụ ép mía 2021/22 sản lượng mía ép đạt 128% và sản lượng đường đạt 125%. Tồn kho cuối kỳ năm 2022 là khoảng 395 ngàn tấn. Lượng đường nhập khẩu chính ngạch đến Tháng 7/2023 là 452 ngàn tấn. Như vậy lượng cung đường trong nước nếu tính cả số nhập khẩu đến Tháng 7/2023 là 1,76 triệu tấn.

Ngoài nhu cầu từ các nhà máy sản xuất nước giải khát, bánh kẹo, chế biến thực phẩm, nhu cầu tiêu dùng đường của người dân gần 430 nghìn tấn. Như vậy, tính toán của Ipsard cho thấy, tổng nhu cầu tiêu dùng đường của Việt Năm năm 2023 là gần 2,24 triệu tấn. Ngoài ra, lượng đường xuất khẩu của cả năm theo ước tính của Hiệp hội mía đường là khoảng 147 ngàn tấn.

Trước thực trạng thiếu nguồn cung trong nước, các doanh nghiệp được khảo sát đã đưa ra rất nhiều các đề xuất nhằm bình ổn cung cầu đường. Trong đó, 70% cho rằng cần phải ổn định vùng trồng mía trong nước để tăng sản lượng; 30% cho rằng cần phải gỡ bỏ bảo hộ ngành đường để tăng năng lực cạnh tranh; 65% cho rằng cần phải tăng hạn ngạch nhập khẩu và xem xét lại thuế nhập khẩu; 30% cho rằng cần phải tăng nhập khẩu chính ngạch với thuế ưu đãi để giảm nhập lậu từ đó ổn định giá đường trong nước.

Hiện nay, hạn ngạch ưu đãi nhập khẩu đường bị khống chế không đáp ứng được nhu cầu, trong khi thuế nhập khẩu đường chính ngạch ngoài hạn ngạch cao khiến gây khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu khi giá đường thế giới tăng cao. Tình trạng này dẫn đến gia tăng nhập lậu đường qua nước như Lào, Campuchia với giá thấp hơn do không phải nộp thuế và cạnh tranh không lạnh mạnh với đường sản xuất trong nước và đường nhập chính ngạch. 

“Điều này cho thấy để có thể đảm bảo nhu cầu tiêu thụ đường đồng thời ổn định giá đường tiêu thụ cho người tiêu dùng, hạn chế nhập lậu, thì cần có chính sách linh hoạt trong chính sách thương mại đặc biệt là trong chính sách hạn ngạch đường nhập khẩu”, ông Vũ Huy Phúc kiến nghị.

Do đó, trong ngắn hạn, cần có những điều chỉnh hợp lý tăng hạn ngạch nhập khẩu và tiếp tục thực hiện giải pháp phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thông qua đấu giá công khai minh bạch nhằm duy trì cân đối cung cầu bình ổn giá đường trong nước.

Bên cạnh đó, cần có nghiên cứu đánh giá tổng thể ngành mía đường để xây dựng chính sách hiệu quả hỗ trợ cho các hộ trồng mía, các nhà máy chế biến, đầu tư nghiên cứu giống mới có năng suất chất lượng cao giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm đường Việt Nam.

Ngoài ra, để bảo vệ sản xuất đường trong nước, ông Phúc cho rằng cần tăng cường các giải pháp để phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép, gian lận thương mại mặt hàng đường, quản lý chặt hình thức nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu và xuất xứ nguồn gốc hàng hóa nhằm ổn định, phát triển lành mạnh thị trường đường trong nước.

Nguồn: tạp chí Kinh tế

Tags : Giá tăng, mía đường, thu hoạch, việt nam, xuất khẩu
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

0914 911 948