Giá cước vận tải biển leo thang dữ dội vì các cuộc tấn công ở Biển Đỏ

Đăng bởi Công Ty TNHH Nguyên Liệu Nông Nghiệp Mekong MEKONG vào lúc 05/01/2024

 

Các nhà quản lý logistics cho biết bất ổn ở Biển Đỏ đã dẫn tới một “cơn bão” trong thương mại toàn cầu, với giá cước vận tải tăng từng ngày, phụ phí gia tăng, thời gian mỗi chuyến hàng dài hơn, và nguy cơ các chuyến hàng dành cho mùa xuân và mùa hè sẽ đến nơi muộn vì phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi.

Nguyên nhân khiến giá cước leo thang?

Các cuộc tấn công của Houthi ở Yemen - lực lượng được Iran hậu thuẫn nhằm vào tàu chở hàng đi qua Biển Đỏ đã liên tục xảy ra mấy tháng nay, bất chấp cảnh báo gay gắt từ Mỹ, Nhật Bản, Anh và 9 quốc gia khác. 

Theo hãng tin CNBC, để tránh các cuộc tấn công, các hãng vận tải biển đã phải chuyển hướng số hàng hoá trị giá hơn 200 tỷ USD trong mấy tuần qua. Biển Đỏ là một đoạn đường biển quan trọng ở Trung Đông, cùng với kênh đào Suez nối Địa Trung Hải với Ấn Độ Dương.

Giới chuyên gia hàng hải cho biết hiện có khoảng 20% công suất vận tải biển không được sử dụng do lượng đơn hàng sụt giảm. Trong khi đó, các hãng vận tải biển tiếp tục cắt giảm các chuyến đi và phải thay đổi hải trình để tránh phải đi qua Biển Đỏ. Sự thắt chặt của công suất vận tải cộng thêm thời gian của mỗi chuyến hàng trở nên dài hơn dẫn tới giá cước cao hơn.

Giá cước vận tải biển tăng cao ngất ngưởng

Giá cước vận tải biển từ châu Á tới Bắc Âu đã tăng hơn gấp đôi trong tuần này, lên mức hơn 4.000 USD/container 40 feet. Giá cước vận tải biển từ châu Á tới Địa Trung Hải tăng lên mức 5.175 USD. Một số hãng tàu đã báo giá 6.000 USD cho mỗi container 60 feet tới Địa Trung Hải từ giữa tháng này, chưa kể phụ phí dao động từ 500-2.700 USD/container.

Giá cước vận tải biển từ châu Á tới Bờ Đông của Mỹ đã tăng 55% lên 3.900 USD/container. Giá cước tới Bờ Tây của Mỹ tăng 63% lên hơn 2.700 USD.

Việc chuyển hướng tàu đi qua kênh đào Suez và Biển Đỏ khiến công suất vận tải biển bị ảnh hưởng, vì hải trình đi qua Mũi Hảo Vọng khiến chuyến đi hai chiều kéo dài thêm từ 2-4 tuần. 

Thời gian vận tải dài hơn sẽ làm chậm những chuyến hàng mùa xuân lẽ ra phải cập cảng Trung Quốc trước dịp Tết Nguyên đán vào tháng 2. Ở Mỹ, những chuyến tàu container lẽ ra phải cập cảng Bờ Đông vào tháng 12 bây giờ mới tới nơi. Đó là những chuyến hàng gồm sản phẩm thời trang xuân hè, bể bơi, dụng cụ bể bơi, sản phẩm cho lễ Phục sinh, đồ nội thất và dụng cụ làm vườn…

Chủ động phương án ứng phó

Trong ngành hàng nông sản, nhiều doanh nghiệp “đã tính đến việc xuất khẩu qua đường hàng không”, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nói.

Mới đây, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đã phát đi khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, các hiệp hội trong lĩnh vực logistics về việc hạn chế tác động của tình hình phát sinh tại khu vực Biển Đỏ.

Theo đó, các hiệp hội cần tăng cường theo dõi, thường xuyên cập nhật tình hình đến các doanh nghiệp trong ngành nắm chắc thông tin để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn tắc và các tác động bất lợi khác. 

Về phía các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cần theo dõi sát tình hình, chủ động lên phương án thích hợp, trao đổi với đối tác để trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thời gian đóng hàng, nhận hàng. 

Các doanh nghiệp cũng cần tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung để hạn chế ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng; tìm hiểu về phương thức vận chuyển đường sắt để có lựa chọn khác nhau về phương thức giao hàng.

Tags : cước tàu biển tăng, giá cước vận tải, logistics
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

0914 911 948