Nông nghiệp năm 2024: Chuyển mạnh "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp"

Đăng bởi Công Ty TNHH Nguyên Liệu Nông Nghiệp Mekong MEKONG vào lúc 10/01/2024

 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: Năm 2024 toàn ngành Nông nghiệp tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Năm 2024, ngành nông nghiệp vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0-3,5%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 54-55 tỷ USD.

Năm 2023, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về thị trường thế nhưng xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp vẫn đạt được các kết quả nổi bật: GDP toàn ngành tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, ước đạt 3,83%; giá trị xuất khẩu đạt hơn 53 tỷ đô la Mỹ, tiếp tục khẳng định vị thế là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Những con số “biết nói” về vai trò trụ đỡ của nông nghiệp trong nền kinh tế

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,01 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD, tăng 43,7% chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: Hàng rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%, gạo đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%. Có sáu mặt hàng trên 3 tỷ USD, cụ thể: hàng rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%; hạt điều 3,63 tỷ USD, tăng 17,6%; cà phê 4,18 tỷ USD, tăng 3,1%; tôm 3,38 tỷ USD, giảm 21,7%; gỗ và sản phẩm gỗ 13,37 tỷ USD, giảm 16,5%.

Đáng lưu ý, lúa gạo mặc dù giảm về diện tích nhưng tăng về sản lượng và năng suất, vẫn về đích 43,5 triệu tấn.

Chúng ta cũng tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế như festival quốc tế ngành hàng lúa gạo; festival bảo tồn và phát triển làng nghề; Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng chống thiên tai… Đặc biệt chúng ta đã phát động thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Xuất khẩu đạt 53,1 tỷ USD tuy chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng thặng dư thương mại đạt 12,1 tỷ USD, lớn nhất trong 10 năm trở lại đây.

Rau quả, đặc biệt sầu riêng mang lại con số ấn tượng

Năm nay, xuất khẩu rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%. Đây là tiềm năng lợi thế về rau quả, trong đó có những đóng góp tích cực của mặt hàng sầu riêng. Diện tích sầu riêng là 112 nghìn ha có thể cho thu hoạch khoảng 400 nghìn tấn. Nhưng chúng ta mới chỉ thu hoạch ở diện tích hơn 60 nghìn ha, phần còn lại đang thiết kế cơ bản năm tới sẽ được thu hoạch.

Năm 2023 xuất khẩu sầu riêng đạt trên 2,2 tỷ USD, nếu thời gian tới ký kết được Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc được hoàn tất, giá trị sầu riêng sẽ tăng lên. Ngoài ra, nếu các giải pháp về hạ tầng được giải quyết, đó là cửa khẩu thông minh, đường sắt, đường bộ kết nối, thống nhất kiểm dịch, khắc phục thủ tục hành chính và mã đóng gói thì sản lượng rau quả còn nhiều tiềm năng, lợi thế để tăng trưởng trong năm 2024.

Tất cả cùng hướng đến chuyển đổi kinh tế nông nghiệp

Quán triệt phương châm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: "Quyết tâm phải lớn, nỗ lực phải cao, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, khẩn trương" năm 2023, toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất sang kinh tế nông nghiệp; tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư của doanh nghiệp; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, bám sát tình hình sản xuất để chủ động các kịch bản sản xuất cho mọi tình huống.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, những kết quả đạt được của ngành không chỉ là nhờ nông sản ngon, chất lượng mà còn là kết quả của việc tổ chức lại sản xuất, cấu trúc lại các ngành hàng gia tăng giá trị đem lại thu nhập cao cho nông dân.

Thay vì chỉ phản ánh về giá cả nông sản, cơ quan báo chí cần viết nhiều hơn những mô hình, cách làm để gợi mở không gian cho người nông dân, cho doanh nghiệp, cho Bộ NN&PTNT và các ngành hàng. Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp là chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng tăng trưởng đa giá trị.

Chúng ta tự tin để cấu trúc ngành hàng, như gạo hiện nay đã có mặt tại những thị trường yêu cầu khắt khe nhất như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu. Quan trọng nhất phải nhìn ra và cấu trúc ngành hàng, muốn tạo ra giá trị cho tương lai phải cấu trúc ngành hàng, gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích.

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2024, toàn ngành Nông nghiệp tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Tags : chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam, kinh tế nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

0914 911 948